Thanh toán tiền mặt lên ngôi tại Việt Nam kể từ trong đại dịch Covid, vậy có khi nào bạn tò mò về xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại Châu Á đang diễn ra như thế nào hay không? Các nước láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… ra sao?
Thanh toán trực tuyến giúp quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cho cả người bán và người mua. Hơn nữa nó còn tác động tích cực đến Nhà nước, xã hội. Việc sử dụng thanh toán điện tử trong thanh toán và mua sắm ngày càng trở nên đơn giản hơn càng có nhiều người ưa chuộng.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ và đại dịch toàn cầu Covid bùng phát, thanh toán không sử dụng tiền mặt đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân trên thế giới. Dĩ nhiên là các nước Châu Á cũng không nằm ngoài ảnh hưởng. Tìm hiểu xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại Châu Á hiện nay sẽ giúp chúng ta thấy rõ sự khác biệt giữa các quốc gia với nhau.
Hàn Quốc, dẫn đầu về thanh toán không sử dụng tiền mặt
Theo khảo sát, thanh toán tiền mặt trung bình mỗi hộ gia đình hàng tháng trong năm 2021 là 510.000 won (395 USD), giảm 25,4% so với 3 năm trước. Thanh toán tiền mặt chiếm 21,6% tổng thanh toán của các hộ gia đình, thấp hơn một nửa so với tỷ lệ 58,3% thanh toán bằng thẻ.
Trong khi đó, thanh toán tiền mặt của các công ty trung bình tháng trong năm 2021 là 9,12 triệu won, giảm 68,5% so với 3 năm trước đó. Lượng thanh toán này chiếm 1,2% tổng lượng thanh toán của các công ty trong năm 2021. Thanh toán bằng chuyển khoản chiếm 86%, mức cao nhất trong các loại thanh toán.
Cũng theo khảo sát trên, dự trữ tiền mặt trung bình mỗi hộ gia đình là 354.000 won trong năm 2021, giảm so với 543.000 won 3 năm trước đó. Dự trữ tiền mặt của các công ty trung bình là 4,7 triệu won trong năm 2021, cao hơn nhiều mức 2,48 triệu won trong năm 2018.
Trung Quốc phát triển thanh toán qua di động
Trong khi đó, theo báo cáo năm 2021 của Hiệp hội Thanh toán Trung Quốc, quét mã QR là phương thức thanh toán được sử dụng thường xuyên nhất ở nước này, với 95,7% người sử dụng thanh toán qua điện thoại di động. Báo cáo cho hay gần 53% hành khách sử dụng mã QR để trả tiền vé xe buýt hoặc tàu điện ngầm, trong khi tỷ lệ dùng thẻ giao thông trả trước hoặc tiền mặt giảm dần.
Người dân Trung Quốc thanh toán bằng quét mã QR trung bình ba lần một ngày. Những người thuộc thế hệ sinh sau năm 1995 sử dụng thanh toán di động với tần suất cao nhất, đặc biệt là đàn ông, với trung bình 4 lần/ngày.
Wang Yu, giám đốc cấp cao của bộ phận kiểm soát rủi ro của UnionPay, tập đoàn dịch vụ tài chính nhà nước Trung Quốc, cho hay tính tiện lợi là nguyên nhân hàng đầu thúc đẩy người dân lựa chọn thanh toán di động, tiếp theo là thói quen và các hình thức khuyến mại.
Do số lượng dân số lớn nên tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của Trung Quốc không cao bằng Hàn Quốc nhưng Trung Quốc vẫn dẫn đầu về thương mại điện tử (TMĐT) trong khu vực.
Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam có tốc độ áp dụng chậm nhất
Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam là 3 quốc gia châu Á chậm trễ nhất trong việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, ngay cả khi khu vực này đang dẫn đầu trong việc thúc đẩy toàn cầu hướng tới thanh toán kỹ thuật số, một báo cáo ngành vừa công bố hôm thứ Tư (12/4) cho thấy.
Theo đó, báo cáo của công ty xử lý thanh toán và ngân hàng FIS có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết trong số giá trị giao dịch trực tiếp của khu vực vào năm 2022, tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt ở Thái Lan cao nhất ở mức 56%, tiếp theo là Nhật Bản ở mức 51% và Việt Nam ở mức 47%.
Thông tin đưa trên trang Nikkei Asia cho biết báo cáo hàng năm của công ty FIS đã theo dõi xu hướng thanh toán của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến và tại điểm bán hàng thực tế trên 40 quốc gia và nền kinh tế.
Mặc dù Thái Lan đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tăng dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng trong những năm gần đây, nhưng “tỷ lệ người tiêu dùng không sử dụng dịch vụ ngân hàng vẫn còn cao, nghĩa là thẻ thanh toán vẫn chưa xâm nhập mạnh mẽ vào đời sống người dân Thái Lan”, FIS lưu ý.
Đối với các giao dịch trực tiếp, việc sử dụng ví kỹ thuật số tại Thái Lan cao ở mức sau giao dịch tiền mặt, ở mức 23%, trong khi thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ chỉ chiếm lần lượt là 11% và 7%.
FIS đã định nghĩa ví kỹ thuật số là ứng dụng lưu trữ thông tin xác thực thanh toán một cách an toàn, cho phép người tiêu dùng mua hàng trực tuyến và trực tiếp. Ví có thể được tài trợ thông qua tiền mặt, thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, chuyển khoản ngân hàng hoặc thanh toán qua nhà cung cấp dịch vụ di động.
Tại Nhật Bản – một nền kinh tế trưởng thành hơn với dân số già – tiền mặt vẫn được sử dụng rộng rãi, một phần do mạng lưới ATM rộng lớn và phí thẻ tín dụng tương đối cao, khiến các thương gia nhỏ không muốn chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nhật Bản dự kiến sẽ có tỷ lệ dùng tiền mặt cao nhất vào năm 2026 ở mức 37%, theo FIS, khi các nền kinh tế khác nhanh chóng áp dụng ví kỹ thuật số thông qua các siêu ứng dụng.
Xem thêm: Top 5 ứng dụng thanh toán trực tuyến tốt nhất tại Nhật Bản
Tuy nhiên vấn đề đáng lo ngại là xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại Châu Á nói riêng và trên thế giới nói chung lên ngôi thì việc thu thập thông tin cá nhân, dẫn đến việc thông tin liên hệ, hành vi tiêu dùng, sinh trắc học và các dữ liệu khác của người tiêu dùng cũng bị khai thác quá mức.
Các vấn đề về an ninh mạng cũng đang gây ra những tranh cãi lớn. Điển hình là vụ việc 7-Eleven Nhật Bản đã phải dừng tính năng thanh toán di động mới ra mắt có tên 7Pay sau khi xuất hiện lỗ hổng nghiêm trọng cho phép bên thứ 3 thực hiện thanh toán các giao dịch không có thật trên hàng trăm tài khoản khách hàng vào năm 2019. Theo ước tính, đã có gần 900 tài khoản bị tấn công và số tiền bị chiếm đoạt lên đến 55 triệu Yên (tương đương 500.000USD).
Một khi người tiêu dùng không chắc chắn về mức độ bảo mật của thanh toán di động, việc lựa chọn sử dụng tiền mặt sẽ giúp giảm nguy cơ thông tin cá nhân và tài sản bị xâm phạm.
Phần kết: Tóm lại chúng ta có thể thấy rõ rằng, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trở thành xu hướng tất yếu tại các quốc gia Châu Á sẽ tác động đến mọi mặt đời sống xã hội tại quốc gia đó. Tuy nhiên, song song phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt thì chúng ta phải chú ý dung hòa nhiều yếu tố, đặc biệt là an toàn bảo mật.
Nguồn bài: Tổng hợp