Trong 3 tháng đầu năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam tiếp tục tăng 53,51% về số lượng, thanh toán qua POS tăng mạnh. Nhưng đây vẫn chưa phải là kết quả tốt nhất. Song song với đó chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong nước.
Tình hình thanh toán không dùng tiền mặt quý I/2023
Trong 3 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng khá. Số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị; số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và tăng 18,55% về giá trị”, ông Phạm Anh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết).
Đến cuối tháng 3/2023, toàn thị trường có 21.347 máy ATM và có 430.625 máy POS; tăng tương ứng 3,88% và 26,34% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng giao dịch qua POS tăng 37,57% về số lượng và tăng 32,09% về giá trị, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 2,37% về số lượng và giảm 4,02% về giá trị, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ rút tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Tính đến cuối năm 2022, có 40 ngân hàng đã triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC với hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động; có 22 ngân hàng triển khai chính thức mở thẻ eKYC với gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang hoạt động. Ngoài ra, đến tháng 4/2023, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Biện pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng về con số nhưng để có thể thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam phát triển hơn nữa theo đúng định hướng đã đề ra giai đoạn 2021-2025 thì trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục áp dụng đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và các văn bản hướng dẫn Nghị định 101, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
- Tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án của Chính phủ, của ngành Ngân hàng về thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số.
- Tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động; triển khai hiệu quả việc thí điểm dịch vụ Mobile-Money nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công.
- Tăng cường phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, khai thác hiệu quả dữ liệu trong thiết kế, phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích phù hợp với nhu cầu, hành vi của từng nhóm đối tượng khách hàng đi cùng với công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin khách hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng…
- Tiếp tục chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động thông tin tuyên truyền và giáo dục tài chính đến người dân, doanh nghiệp có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và yên tâm trải nghiệm sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt an toàn.
Xem thêm: Giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt từ phía người bán
Có thể thấy rằng hiện trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam vẫn không ngừng phát triển. Nhưng nếu đạt được nhiều thành quả tốt hơn nữa thì cần sự tập trung, tích cực và triệt để đến từ các cơ quan ban ngành và doanh nghiệp.
Nguồn bài tham khảo: Internet