Bạn đang tự vận hành một nhà hàng hoặc quán cà phê dạng vừa & nhỏ nên mọi thứ từ quản lý, bán hàng cho tới tính toán doanh thu lợi nhuận đều do bạn đảm nhận. Để giúp bạn đọc bớt rối hơn thì chúng tôi sẽ mách cho bạn cách tính lãi lỗ trong kinh doanh, áp dụng cho các nhà hàng và quán cafe dạng vừa & nhỏ.
Lợi nhuận được tính bằng công thức:
Số tiền lãi/lỗ = Doanh thu – Các khoản chi phí
Trong đó doanh thu là toàn bộ số tiền mà các chủ thể đã thu được từ việc buôn bán các loại sản phẩm, hàng hóa và thực hiện cung cấp dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định.
Và cách tính doanh thu bán hàng như sau:
– Đối với hoạt động bán sản phẩm: Doanh thu = giá bán x sản lượng
– Đối với các công ty cung cấp dịch vụ: Doanh thu = số lượng khách hàng x giá dịch vụ
Căn cứ vào công thức tính tiền lỗ lãi, chúng ta có thể phát hiện ra những vấn đề còn tồn đọc và tìm ra cách khắc phục, điều chỉnh hoạt động tài chính để phát triển kinh doanh.
Doanh thu kinh doanh nhà hàng, quán cafe
Số liệu doanh thu có thể thu được dễ dàng nếu nhà hàng, quán cafe sử dụng phần mềm quản lý bán hàng.
Dựa trên thông tin từ hóa đơn, chủ kinh doanh cũng cần đối chiếu doanh thu ghi nhận trên phần mềm và doanh thu trên thực tế (tiền mặt, tiền trong tài khoản ngân hàng,…) xem có trùng khớp với nhau hay không.
Một lưu ý quan trọng khi ghi nhận doanh thu kinh doanh là bạn phải bóc tách được đâu là doanh thu thực, đâu là khoản thuế phải nộp do giá sản phẩm bán ra là giá đã bao gồm thuế VAT. Nếu không trừ đi khoản thuế VAT trong mỗi sản phẩm, con số doanh thu đó không phản ánh được doanh thu thực mà nhà hàng, quán cafe tạo ra. Đồng thời, việc đối soát doanh thu từ các nguồn offline và online cũng cần được kiểm soát chặt chẽ. Khi kiểm tra doanh thu bán hàng online qua các nền tảng như GrabFood, Shopee Food, Baemin…cần chú ý đến phần chiết khấu hoa hồng cho bên thứ ba.
Các khoản chi phí khi vận hành
Chi phí kinh doanh dịch vụ ăn uống tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại vô cùng phức tạp. Chủ kinh doanh phải đối mặt với vô số khoản chi tiêu từ lớn đến nhỏ nên rất dễ xảy ra tình trạng thất thoát nếu không kiểm soát chặt chẽ.
Thông thường, kinh doanh nhà hàng, quán cafe có những khoản chi phí cơ sản sau:
- Chi phí nguyên vật liệu
Mỗi loại hình kinh doanh có một định mức chi phí nguyên vật liệu khác nhau. Để xác định chi phí nguyên vật liệu chính xác, chủ kinh doanh phải liệt kê chi tiết và đầy đủ các hạng mục nguyên vật liệu đầu vào cấu thành nên tất cả các món ăn, đồ uống của nhà hàng, quán cafe.
- Chi phí trong tháng
Trong quá trình vận hành kinh doanh nhà hàng, quán cafe chắc chắn không thể thiếu những khoản chi phí hàng tháng. Một số loại chi phí đã được dự tính từ trước như tiền lương nhân viên, tiền điện nước, tiền marketing quảng cáo,…. Bên cạnh đó công việc kinh doanh cũng có thể phát sinh nhiều loại chi phí mới như tiền sửa chữa thiết bị máy móc, tiền mua sắm vật dụng trang trí cửa hàng dịp đặc biệt, tiền in áo đồng phục nhân viên mới,… Tất cả các khoản này phải được ghi nhận vào chi phí trong tháng một cách cẩn thận, chi tiết để tránh thất thoát mà chủ kinh doanh không hề hay biết.
- Chi phí phân bổ hàng tháng
Đối với các hạng mục có giá trị lớn và thời gian sử dụng lâu dài, chủ kinh doanh nên phân bổ khoản chi phí đó thành nhiều tháng tương ứng. Ví dụ, bạn phải trả 120.000.000 đồng tiền thuê mặt bằng cho thời gian 6 tháng, tức là chi phí mặt bằng được phân bổ mỗi tháng là 20.000.000 đồng. Tương tự, nhà hàng mua phần mềm quản lý bán hàng có giá 4.500.000 đồng có thời gian sử dụng là 1 năm thì chi phí được phân bổ mỗi tháng là 375.000 đồng.
Sai lầm của nhiều chủ kinh doanh là khi đến hạn trả tiền thuê mặt bằng, mua thiết bị… là tính tất cả số tiền đó vào mục chi phí của tháng, dẫn đến tổng chi phí của riêng tháng đó bị đội lên quá nhiều và cuối cùng khi tính lợi nhuận theo tháng thì chắc chắn là lỗ. Trong khi đó, các tháng khác thì không bị tính khoản chi phí này nên khả năng lãi cao hơn. Với cách tính này, con số lãi lỗ không chính xác và không phản ánh đúng thực trạng kinh doanh của nhà hàng, quán cafe.
Một số loại chi phí thường được phân bổ hàng tháng là tiền thuê mặt bằng, tiền mua máy móc thiết bị, tiền mua sắm nội thất, tiền mua gói cước mạng internet… Các khoản chi tiêu được phân bổ hợp lý giúp chủ kinh doanh nhận định đúng thực tế chi phí vận hành kinh doanh mỗi tháng.
Kết quả lãi lỗ kinh doanh nhà hàng, quán cafe
Lấy doanh thu trừ hết các khoản chi phí trên, bạn sẽ có được lợi nhuận cuối cùng của nhà hàng, quán cafe. Con số này có thể âm hoặc dương, cho biết là cửa hàng đang kinh doanh lỗ hay lãi:
- Nếu lợi nhuận nhỏ hơn 0
Con số này chứng tỏ việc kinh doanh đang bị lỗ: Chủ kinh doanh nên quay lại phần thu chi để xem xét và cắt giảm những khoản chi không cần thiết, đồng thời đẩy mạnh việc bán hàng nhằm tăng doanh thu.
- Nếu lợi nhuận bằng 0
Con số này nói rất rõ rằng việc kinh doanh đang hòa vốn: Mỗi một con số đều có ý nghĩa, nếu bạn hòa vốn trong giai đoạn khai trương, việc này có thể hiểu được. Nhưng nếu bạn kinh doanh đã lâu thì việc này không ổn cần xem xét các khía cạnh về quản lý thu chi, lỗ lãi để đưa ra những quyết định đúng đắn.
- Nếu lợi nhuận lớn hơn 0
Rõ ràng nếu lợi nhuận lớn hơn 0 thì chắc chắn việc kinh doanh của bạn đang có lãi: Đây là tín hiệu tốt, hãy xem xét số liệu để tiếp tục phát triển trong thời gian sắp tới.
Xem thêm: Bạn đã biết đến các cách quản lý doanh thu nhà hàng sau đây chưa?
Phần kết: Trên đây là hướng dẫn cách tính lỗ lãi trong kinh doanh nhà hàng, quán cafe quy mô vừa và nhỏ. Mặc dù mất nhiều thời gian nhưng hãy tính toán cẩn thận, chính xác để biết tình trạng kinh doanh của bạn hiện nay như thế nào nhé. Chúc thành công!
Nguồn bài tham khảo thêm: Ipos