Nếu như biết cách sử dụng ChatGPT hiệu quả thông qua việc viết yêu cầu (Prompt) phù hợp thì chắc chắn loại trí tuệ nhân tạo này sẽ hỗ trợ đắc lực cho con người cả trong công việc, học tập lẫn cuộc sống. Dưới đây chúng tôi xin chia sẻ một số mẹo hay mà bạn có thể áp dụng.
ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một loại mạng trí tuệ nhân tạo (AI) được huấn luyện bởi công ty OpenAI (Mỹ), có khả năng tạo ra các văn bản, nội dung và câu trả lời một cách tự nhiên và đủ thông minh dựa trên yêu cầu của người sử dụng.
Kể từ khi OpenAI phát hành phiên bản thử nghiệm miễn phí (ngày 30/1), ChatGPT đã trở thành một cú hit gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Hiện tại, tảng này đã chính thức đạt 100 triệu người dùng với cả 2 phiên bản miễn phí & trả phí.
Xem ngay: Đăng ký tài khoản và cách dùng ChatGPT tại Việt Nam miễn phí
Sử dụng bản miễn phí thì sẽ bị hạn chế hơn so với bản trả phí. Nhưng nếu biết đến một số mẹo hữu ích bên dưới đây thì chắc chắn bạn sẽ tân dụng triệt để được ChatGPT.
Tuy nhiên, với phiên bản miễn phí, bất kì ai cũng có thể khai thác được các giá trị của nó nếu biết cách sử dụng thích hợp. Dưới đây là một số kỹ thuật để khai thác công cụ này:
Contents
- Đưa ra câu lệnh Prompt chi tiết và rõ ràng
- Yêu cầu ChatGPT trả lời bằng văn phong và định dạng cụ thể
- Mô tả rõ vai trò của ChatGPT
- Yêu cầu nó khám phá ra nhiều góc nhìn, ý tưởng mới
- Đưa ra yêu cầu cải thiện trong suốt đoạn hội thoại
- Viết yêu cầu luôn luôn đặt câu hỏi trước khi trả lời
- Đưa ra trước một vài thông tin cho ChatGPT
- Khai thác những lĩnh vực thế mạnh của ChatGPT
- Sử dụng ChatGPT một cách thông minh
Đưa ra câu lệnh Prompt chi tiết và rõ ràng
Prompt là nền tảng cơ bản của mọi công cụ AI. Nó bao gồm tất cả thông tin mà người dùng chỉ dẫn cho AI để chúng thực hiện việc họ muốn làm. Bạn có thể sử dụng ChatGPT để hỏi những câu hỏi chung chung và nhận được những câu trả lời thường thường. Tuy nhiên nếu tạo ra được prompt càng cụ thể, chi tiết và càng nhiều bối cảnh thì phản hồi mà ChatGPT trả về sẽ càng hữu ích.
Ví dụ:
Lưu ý, khi viết prompt hãy nêu mục tiêu cụ thể của bạn, sử dụng đúng ngữ pháp và tránh sử dụng các từ mơ hồ có thể hiểu theo nhiều cách. Viết prompt dưới dưới dạng câu hỏi cũng có thể giúp ChatGPT dễ dàng hiểu những gì bạn đang tìm kiếm và đưa ra câu trả lời rõ ràng hơn.
Với cùng một prompt, bạn có thể ấn “Tạo lại câu trả lời” nhiều lần để thu được các phiên bản trả lời (có thể khác nhau) của ChatGPT.
Các nhà công nghệ Việt Nam khuyến nghị nên sử dụng ChatGPT bằng tiếng Anh vì mô hình ngôn ngữ này được huấn luyện nhiều trên tập dữ liệu tiếng Anh và người dùng có thể tận dụng các mẫu câu lệnh tiếng Anh đã được chứng minh hiệu quả.
Yêu cầu ChatGPT trả lời bằng văn phong và định dạng cụ thể
Một bí quyết khi sử dụng ChatGPT để viết nội dung là yêu cầu nó tuân theo văn phong và định dạng cụ thể. Bạn có thể thêm các câu lệnh vào đoạn prompt, chẳng hạn như “Hãy sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu cho học sinh lớp 5” hoặc “Hãy viết nội dung thuyết phục theo lối kể chuyện; có sử dụng phép ẩn dụ, phép so sánh và các biện pháp văn học khác để làm cho các luận điểm trở nên dễ hiểu và đáng nhớ hơn. Viết theo cách vừa mang tính thông tin vừa mang tính giải trí”.
Bạn cũng có thể nêu định dạng mà bạn mong muốn nhận được, ví dụ “Hãy viết dưới dạng email”, hoặc “Hãy sử dụng cấu trúc: 1) Cái gì, 2) Tại sao, 3) Như thế nào”.
Ví dụ:
Prompt 1: Giải thích về lạm phát trong nền kinh tế vĩ mô. Hãy sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu cho học sinh lớp 5.
Mô tả rõ vai trò của ChatGPT
Mỗi cuộc hội thoại với ChatGPT tựa như một tờ giấy trắng, nó không có chút thông tin nào về bối cảnh hay mục đích của việc người dùng muốn nó thực hiện. Nhưng nếu bạn nêu cho nó một vai trò cụ thể, nó sẽ có định hướng để phản hồi. Bạn cần mô tả rất rõ vai trò mà bạn mong muốn chúng thực hiện trong đoạn prompt, hoặc dùng cấu trúc đơn giản “Là một [nghề nghiệp / vai trò], bạn hãy…”
Một số vai trò có thể gợi ý cho ChatGPT bao gồm: người kể chuyện, người đánh giá công nghệ, người nổi tiếng, nhà tuyển dụng, nhà quảng cáo, giáo viên,…
Ví dụ:
Prompt 1: Tôi muốn bạn đóng vai trò là giáo viên lớp 12. Bạn sẽ cần tạo những nội dung hấp dẫn và nhiều thông tin chính xác cho các loại học liệu như sách giáo khoa, bài giảng online và giáo án. Yêu cầu đầu tiên của tôi là “Tôi cần bạn giúp soạn kế hoạch giảng dạy cho bài học về sự ăn mòn của kim loại.”
Prompt 2: Tôi muốn bạn đóng vai trò là một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencer). Bạn sẽ cần tạo những nội dung cho các nền tảng Instagrams, Twitter và Youtube, và tương tác với người theo dõi để nâng cao nhận thức về thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Yêu cầu đầu tiên của tôi là, “Tôi cần giúp tạo ra một chiến dịch quảng cáo hấp dẫn trên Instagrams để giới thiệu một dòng quần áo thể thao mới dành cho nữ.”
Yêu cầu nó khám phá ra nhiều góc nhìn, ý tưởng mới
Người dùng có thể đưa ra một chủ đề và yêu cầu ChatGPT viết về chủ đề đó dưới góc nhìn hoặc quan điểm khác nhau. Bằng cách này, chúng ta có thể khám phá nhiều ý tưởng mới và có thêm chiều sâu cho văn bản của mình. Dĩ nhiên, nhiều ý tưởng sẽ chung chung và cũng có những ý tưởng hoàn toàn ngớ ngẩn. Tuy nhiên, bạn có thể tinh chỉnh bằng cách đưa thêm nhiều bối cảnh cụ thể hơn vào khung trò chuyện.
Bạn có thể dùng từ khóa mô tả trong prompt để khám phá các góc nhìn khác nhau, ví dụ “Hãy ưu tiên các ý tưởng độc đáo, mới lạ” hoặc “Nêu các quan điểm gây tranh cãi”.
Ví dụ:
Prompt 1: Chủ đề là tăng hiệu quả làm việc cho doanh nhân. Với chủ đề này, hãy viết nhiều quan điểm từ một nhóm có góc nhìn khác nhau. Với mỗi quan điểm, hãy viết bằng giọng điệu riêng của mỗi người, sử dụng các cụm từ mà người đó sẽ dùng.
Prompt 2: Trong xã hội phương đông, có phải mọi người thường quan điểm tập thể quan trọng hơn cá nhân? Hãy phân tích từ nhiều góc nhìn, bao gồm nhà chính trị, nhà kinh tế, nhà xã hội học và người lao động.
Đưa ra yêu cầu cải thiện trong suốt đoạn hội thoại
Trong một đoạn hội thoại liên tục, ChatGPT có thể “học” được bối cảnh đã nêu để áp dụng vào câu trả lời kế tiếp.
Chính vì thế, bạn có thể cải tiến phần trả lời của AI bằng cách đưa thêm thông tin hoặc những hướng dẫn chi tiết hơn, chẳng hạn yêu cầu AI “Hãy đưa thêm ý kiến chuyên gia vào bài viết, sử dụng thông tin được cung cấp dưới đây”.
Bạn cũng có thể yêu cầu ChatGPT “Hãy nghĩ ngược lại” nếu AI tiếp tục đưa ra kết luận không chính xác.
Viết yêu cầu luôn luôn đặt câu hỏi trước khi trả lời
Người dùng có thể viết yêu cầu này trong phần prompt, chẳng hạn “Bạn hãy luôn luôn đặt câu hỏi trước khi trả lời để có thể phân vùng tốt hơn về những gì người hỏi đang tìm kiếm. Bạn có đồng ý với điều này không?” Nhờ vậy, ChatGPT sẽ luôn có tác phong hỏi thêm thông tin để có thể tạo ra câu trả lời chính xác hơn.
Đưa ra trước một vài thông tin cho ChatGPT
Điều này giúp đóng khung kiến thức của bot, vì vậy nó biết những gì cần biết – và những gì nó không biết.
Ví dụ:
Prompt 1: Sơ yếu lý lịch của Nguyễn Văn A: [dán sơ yếu lý lịch đầy đủ vào đây].
Với những thông tin trên, hãy viết một tiểu sử diễn giả thật dí dỏm về Nguyễn Văn A.
Prompt 2: [Dán toàn bộ văn bản của bài viết vào đây]
Tóm tắt nội dung bài viết trên với 3 gạch đầu dòng.
Khai thác những lĩnh vực thế mạnh của ChatGPT
Các hãng công nghệ lớn như NVIDIA, Google, Microsoft đã đưa ra hướng dẫn về những tình huống mà việc sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (bao gồm cả ChatGPT) sẽ đem lại hiệu quả, chẳng hạn như: tóm tắt văn bản sẵn có, tìm kiếm thông tin trong văn bản, viết lại văn bản, tạo sinh văn bản, phiên dịch, phân loại nội dung, trích xuất nội dung,…
Bạn nên khai thác những khía cạnh này để tìm kiếm những cách sử dụng phù hợp với công việc của mình. Chẳng hạn, bạn có thể yêu cầu chatbot viết lại một đoạn văn bằng giọng chủ động hơn. Nếu không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ, bạn có thể yêu cầu chatbot xóa lỗi ngữ pháp khỏi email trước khi gửi. Nếu muốn tự học lập trình, bạn có thể yêu cầu máy tính gợi ý các đoạn code và giám sát việc sửa code theo ý muốn.
Thậm chí, với một số người gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ giao tiếp (ví dụ: người bị tự kỷ nhẹ), họ cũng có thể nhờ ChatGPT cho họ biết “Ý chính mà người viết muốn truyền đạt trong bài nói chuyện này là gì?”
Prompt 2: Phân tích đoạn văn bản dưới đây để tìm ra phong cách, giọng điệu và văn phong của người viết. Sử dụng NLP để tạo ra một prompt để viết một văn bản mới với cùng phong cách, giọng điệu và văn phong: [chèn văn bản mẫu]
Sử dụng ChatGPT một cách thông minh
Hãy sử dụng ChatGPT để cải thiện chứ không phải làm thay công việc. Với suy nghĩ này, AI có thể hữu ích nếu chúng ta đang tìm kiếm sự hỗ trợ. Nhưng trong bất kỳ tình huống nào, đừng mù quáng tin tưởng vào máy móc bởi nó có thể phản hồi với thông tin không chính xác hoặc thiên kiến.
ChatGPT được đào tạo từ nguồn dữ liệu khổng lồ về sách kỹ thuật số, bài viết trực tuyến và các phương tiện khác, song nó không thể kiểm tra nguồn thông tin trên là đúng hay sai. Mô hình này có thể tạo ra những lập luận có vẻ hợp lý, nhưng nếu trước đó đã có nội dung đăng tải sai lệch về cùng chủ đề trên Internet thì nhiều khả năng ChatGPT lặp lại lỗi sai đó. Nếu sử dụng câu trả lời của nó, bạn sẽ góp phần làm thông tin sai lệch lan rộng hơn.
Ngay cả trong việc lập trình – được coi là gần với máy móc nhất – mặc dù ban đầu có một số huyên náo về khả năng chatbot có thể làm thay công việc của một lập trình viên phần mềm, nhưng người ta đã nhanh chóng phát hiện rằng ChatGPT có vấn đề về việc chèn những thứ vô nghĩa vào cơ sở mã.
Phần kết: Với tất cả những thông tin ở trên, chúng tôi hi vọng bạn đọc đã biết cách sử dụng ChatGPT hiệu quả thông qua cách viết yêu cầu (Prompt) để hỗ trợ cho công việc của mình. Hãy làm chủ ChatGPT chứ đừng nên để ChatGPT điều khiển bạn. Chúc thành công!
Nguồn bài tham khảo: Tienphong