Mobile Money hay còn gọi là thanh toán di động, đã được ứng dụng tại Việt Nam trong những năm gần đây. Công bằng mà nói thì so với ví điện tử thì chưa phổ biến bằng. Vậy thì thực trạng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam hiện nay như thế nào? Đã làm những gì, đạt được thành tích gì?
Mobile Money hay “ví điện tử viễn thông”, loại ví điện từ bạn có thể sử dụng mà không cần không cần liên kết với tài khoản ngân hàng hoặc định danh bằng số điện thoại thuộc SIM chính chủ của các nhà mạng. Nhờ vậy sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, giảm các chi phí xã hội, nâng cao mức sống của người dân…
Đối với người dân, đặc biệt là những người đang sinh sống ở các vùng nông thôn, hải đảo, miền núi… Họ chỉ cần một chiếc điện thoại và một thuê bao di động đã được đăng ký là đã có thể chuyển, nhận tiền, thanh toán giao dịch một cách nhanh chóng.
Contents
Đầu năm 2021, Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm
Ngày 09/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Theo Quyết định số 316/QĐ-TTg, mỗi khách hàng chỉ được mở một tài khoản Mobile Money tại một nhà mạng. Để sử dụng dịch vụ này, khách hàng phải có SIM được đăng ký, các thông tin phải được đơn vị cung cấp dịch vụ di động xác thực theo quy định về đăng ký thuê bao di động và SIM đó phải hoạt động liên tục tối thiểu trong vòng 3 tháng.
Khi đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, khách hàng có thể nạp hay rút tiền từ tài khoản Mobile Money tại các điểm giao dịch của nhà mạng, sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ cho các đơn vị chấp nhận hình thức thanh toán này; chuyển tiền sang tài khoản Mobile Money của người khác trong cùng một nhà mạng hay chuyển tiền sang tài khoản thanh toán tại ngân hàng và ví điện tử do nhà mạng cung cấp.
Mobifone, VNPT và Viettel đi đầu triển khai Mobile Money
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 316/QĐ-TTg, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1818/QĐ-NHNN, ngày 18/11/2021; Quyết định số 1820/QĐ-NHNN, ngày 18/11/2021; Quyết định số 1916/QĐ-NHNN, ngày 26/11/2021 về việc chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ đối với nhà mạng Mobifone, VNPT và Viettel. Các nhà mạng được cấp phép đều nhập cuộc khá nhanh và đến nay đã có những kết quả nhất định trong việc mở rộng thị trường, đưa hình thức thanh toán mới mẻ này tiếp cận với người dân.
Và đã được được những kết quả gì?
Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến đầu tháng 5/2023, Việt Nam đã có hơn 3,9 triệu người sử dụng dịch vụ Mobile Money, tăng 6,3% so với tháng 3/2023 và gấp 3 lần so với cùng kỳ tháng 4/2022. Đặc biệt, số lượng người dùng Mobile Money tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 2,7 triệu khách hàng, chiếm 69% số người sử dụng dịch vụ.
Hiện cả nước có 9.953 điểm kinh doanh dịch vụ Mobile Money, tăng 12% so với tháng 3/2023. Số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán qua hình thức Mobile Money đạt 15.326 điểm, tăng 0,2%. Tổng số lượng các giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng Mobile Money là hơn 26,1 triệu giao dịch, với tổng giá trị giao dịch hơn 1.683 tỷ đồng (Hồng Vinh, 2023).
Với số lượng điểm giao dịch rộng khắp của các nhà mạng di động, Mobile Money đã cung cấp cho dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có mạng lưới hệ thống ngân hàng, cũng như cho đối tượng chưa hoặc không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng có cơ hội tiếp cận và sử dụng dịch vụ chuyển tiền, thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng, thuận tiện. Việc nạp và rút tiền từ tài khoản Mobile Money tại các điểm giao dịch của nhà mạng cũng nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện như nạp tiền vào tài khoản viễn thông.
Do không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, dịch vụ Mobile Money ở Việt Nam đã giúp tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính cho mọi đối tượng khách hàng, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trong 3 tháng đầu năm 2023, số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị. Số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và tăng 18,55% về giá trị. Đáng chú ý, số lượng giao dịch qua POS tăng 37,57% về số lượng và tăng 32,09% về giá trị, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 2,37% về số lượng và giảm 4,02% về giá trị (Hồng Vinh, 2023).
Bên cạnh đó, Mobile Money còn mở ra cơ hội cho các nhà mạng khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng, tăng doanh thu và đa dạng hóa dịch vụ cung cấp, tiến tới, hoàn thiện hệ sinh thái kinh doanh. Trong bối cảnh triển khai thí điểm khi dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, dịch vụ Mobile Money đã tạo được niềm tin cho khách hàng sử dụng dịch vụ, đáp ứng một phần nhu cầu của thực tiễn và từng bước đi vào cuộc sống.
Bài toán đặt ra cho Mobile Money tại Việt Nam
Tuy Mobile Money có rất nhiều tiềm năng phát triển nhưng dịch vụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết:
Quy định pháp lý
Mobile Money là dịch vụ mới nên các quy định pháp lý còn chưa đầy đủ và đồng bộ, tiềm ẩn những rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện. Tính ưu việt của Mobile Money trên thế giới là người dùng chỉ cần duy nhất số điện thoại, họ có thể đến đại lý để rút tiền hay nạp tiền, không cần đến giấy tờ gì để thực hiện các khâu nạp – rút – thanh toán. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của Việt Nam, thì các doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ đến những khách hàng có chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định. Quy định này làm giảm đi tính ưu việt của Mobile Money.
Khó thể thay đổi thói quen của người Việt
Thói quen sử dụng tiền mặt đã ăn sâu vào hành vi của người tiêu dùng Việt Nam. Người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh an toàn và chi phí khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử, nên việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt như Mobile Money vẫn khó khăn nhất định.
Cách sử dụng còn nhiều vấn đề
Việc sử dụng Mobile Money còn phức tạp hơn so với các ứng dụng thanh toán phổ biến. Hiện nay, các nhà mạng phân biệt hoàn toàn tiền trong tài khoản điện thoại di động và tài khoản Mobile Money. Việc khách hàng nạp/rút tiền mặt vào tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh của nhà mạng; nạp/rút tiền từ tài khoản thanh toán của khách hàng (chủ tài khoản Mobile Money) tại ngân hàng; nạp/rút tiền từ tài khoản thanh toán của khách hàng từ ví điện tử của khách hàng… gây ra nhiều bất tiện. Người dùng phải mất nhiều thao tác để chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản. Hơn nữa, các nhà mạng chỉ cho khách hàng nạp tiền tại đại lý hoặc qua tài khoản ngân hàng, mà không cho khách hàng tự nạp tiền thông qua thẻ nạp tiền điện thoại mà mình đã phát hành. Những yếu tố trên khiến ứng dụng Mobile Money của các nhà mạng không khác gì các ứng dụng thanh toán khác.
Đó là chưa kể, tuy Mobile Money có thể giúp người dùng giao dịch trên điện thoại “cục gạch”, thế nhưng thuê bao Viettel vẫn cần kích hoạt dịch vụ “Tiền di động” trên ứng dụng Viettel Money, còn thuê bao Vinaphone cũng cần kích hoạt qua VNPT Pay. Nếu không có điện thoại thông minh và tài khoản ngân hàng, khi cần nạp hoặc rút tiền, người dùng cần liên hệ tổng đài của nhà mạng, hoặc đến các điểm giao dịch để thực hiện. Như vậy, một người, nếu chỉ có một chiếc điện thoại phổ thông duy nhất, sẽ cần sự hỗ trợ từ nhà mạng để đăng ký và sử dụng Mobile Money tại nhà.
Việc chuyển tiền giữa các thuê bao di động được thực hiện miễn phí, nhưng chỉ hỗ trợ các thuê bao trong cùng nhà mạng. Còn trong trường hợp muốn nạp tiền, rút tiền, chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng, thuê bao có thể bị tính phí. VNPT hiện tính 0,5% trên mỗi giá trị giao dịch, tối thiểu 10.000 đồng cho một giao dịch nạp hoặc rút tiền tại quầy. Viettel miễn phí nạp tiền vào tài khoản tiền di động, nhưng khi rút người dùng sẽ phải chịu phí 0,6%, tối thiểu 6.000 đồng. Ngoài ra, các thuê bao Mobile Money tại Việt Nam hiện nay bị giới hạn tổng khối lượng giao dịch 10 triệu đồng mỗi tháng (Lưu Quý, 2021).
Đối mặt với sự cạnh tranh
Thứ tư, Mobile Money đang đứng trước sự cạnh tranh từ nhiều ứng dụng thanh toán (ví điện tử) như: ví Appota, Momo, ZaloPay, VnPay, Moca, AirPay… Những ứng dụng này đã xuất hiện từ lâu và đã có nhiều khách hàng, phân khúc khách hàng cụ thể, họ hiểu thói quen, sở thích, các yếu tố mà khách hàng quan tâm. Các ứng dụng này đã tạo ra thói quen cho người dùng, có nhiều điểm chấp nhận thanh toán, xử lý được nhiều loại hóa đơn và liên kết với nhiều ngân hàng. Việc ra đời tương đối muộn khiến Mobile Money khó bứt lên trước sự cạnh tranh của các ứng dụng đó. Chưa kể, một số ứng dụng thanh toán còn liên kết với các dịch vụ Grab, Be… đang chiếm được một thị phần lớn những người quen sử dụng các siêu ứng dụng này.
Thực trạng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam nhưng chúng ta vẫn phải lạc quan để tìm ra lối đi riêng cho Mobile Money để cùng phát triển trong hệ sinh thái thanh toán không sử dụng tiền mặt. Hãy đón đọc bài viết về giải pháp đẩy mạnh dịch vụ Mobile Money ở Việt Nam ở post sau nhé.
Tham khảo thêm từ: Tapchitaichinh