Cơ hội phát triển các phương thức thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam cực kì tiềm năng với hơn 125 triệu thuê bao di động, đồng thời với sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ thương mại điện tử dịch vụ này cũng chuẩn bị tới giai đoạn bùng nổ. Những yếu tố nào đang thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam phát triển?
Sự phát triển của các dịch vụ thương mại điện tử
Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT hai con số trong những năm COVID. Quý I/2021, tỷ lệ tăng trưởng của tổng giá trị giao dịch TMĐT tăng 5,5 lần so với quý IV/2020. Trong đó, 85% người tiêu dùng sử dụng các ứng dụng TMĐT trên điện thoại thông minh để mua sắm hàng hóa và dịch vụ ít nhất 01 lần/tuần và 44% người tiêu dùng lần đầu tiên mua sắm qua các kênh mạng xã hội kể từ khi đại dịch Covid-19 lan rộng.
Trước sự phát triển của TMĐT, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) khi mua sắm trực tuyến cũng có những dấu hiệu khởi sắc. Theo Ngân hàng Nhà nước, so với cùng kỳ năm 2020, 3 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua internet tăng 55,9% về số lượng, với 156,2 triệu món và 28,4% về giá trị, với 8,1 triệu tỷ đồng. Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 78% về số lượng, đạt 395,05 triệu món, với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng (tăng 103% về giá trị).
Cơ sở hạ tầng về thanh toán không dùng tiền mặt đang hoàn thiện
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, số lượng thẻ ngân hàng phát hành đang tăng lên nhanh, giá trị giao dịch thẻ tăng trưởng liên tục và ổn định. Hầu hết các ngân hàng đã tích hợp nhiều tính năng, ứng dụng thanh toán trực tuyến trực tiếp các dịch vụ như: tiền điện, tiền nước, bảo hiểm, phí viễn thông, giao thông, mua hàng trực tuyến.
Theo xu hướng phát triển của thị trường, hơn 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 44 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Có thể thấy, cơ sở hạ tầng đáp ứng cho việc thanh toán không dùng tiền mặt đang dần hoàn thiện để đảm bảo các hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt và nhanh chóng.
Dịch COVID-19
Trong những ngày vừa qua, chúng ta đã được chứng kiến những sự thay đổi rõ ràng trong phương thức tiêu dùng, thanh toán, đó là sự dịch chuyển từ các cửa hàng truyền thống sang thương mại điện tử. Điều này đã làm gia tăng việc sử dụng ví điện tử, hình thức thanh toán không chạm.
Tại Việt Nam, khi dịch COVID xảy ra và nhất là ở giai đoạn cách ly xã hội, thanh toán qua kênh internet đã tăng gần 50% về giá trị giao dịch, thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng hơn khoảng 160% so với cùng kỳ năm trước.
Ở thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 đã bước đầu được kiểm soát. Mặc dù sứ mệnh của tiền mặt vẫn chưa thay đổi, nhưng phải nói rằng dịch cũng đã tạo nên một “cú hích” lớn giúp thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.
Hy vọng rằng bài viết ở trên đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức về những yếu tố thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Theo dõi AppotaPay ngay hôm nay để nhận nhiều thông tin hơn về thị trường và thế giới.