Thủ đoạn lừa đảo mới ngày càng tinh vi hơn bằng cách, chúng giả danh người khác sau đó yêu cầu người dùng xác nhận khuôn mặt để mở tài khoản ngân hàng và ví điện tử của họ hòng chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn lừa đảo để mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử
Công an TP.HCM vừa cho biết, thủ đoạn của đối tượng là giả dạng cán bộ cơ quan chức năng (cán bộ Công an, cơ quan thuế…) hoặc người thân, quen của nạn nhân (đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake để giả dạng hình ảnh và giọng nói) thực hiện video call với nạn nhân để tạo sự tin tưởng.
Trong lúc video call, bằng nhiều thủ đoạn, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân thực hiện nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải… Sau đó, đối tượng sẽ ghi lại video và dùng nó để mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử với đứng tên nạn nhân.
Theo cơ quan Công an, tài khoản ngân hàng, ví điện tử đó có thể sử dụng vào mục đích lừa đảo hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Nạn nhân khó có thể chứng minh sự vô can của mình do đã thực hiện bước định danh cá nhân (KYC).
KYC (Know Your Customer) là một thuật ngữ trong ngành ngân hàng thể hiện quy trình xác minh danh tính của khách hàng khi đăng ký sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, chẳng hạn như mở tài khoản, gửi tiền, rút tiền,… Quá trình này giúp ngân hàng xác minh người sử dụng dịch vụ là chính chủ, chủ động phòng tránh các rủi ro xảy ra khi giao dịch tiền tệ, ngăn ngừa các hành vi trục lợi bất hợp pháp.
Và eKYC (Electronic Know Your Customer) là một hình thức của quy trình KYC được chuyển đổi số. Tức là toàn bộ quy trình xác minh danh tính truyền thống trước đây sẽ được thay thế bằng quy trình điện tử.
Người dùng nên làm gì trước những hành vi lừa đảo?
Công an TP.HCM khuyến cáo người dân cảnh giác với các cuộc gọi video yêu cầu thực hiện các “hành động lạ” như nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, ngước lên, cúi xuống…
“Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP… cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch”, Công an TP.HCM khuyến cáo.
Ngoài ra, cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra, sẽ làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo gửi đến chính quyền, cá nhân, tổ chức đó, tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội. Khi phát hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân nhanh chóng trình báo cơ quan Công an gần nhất để xử lý theo đúng pháp luật.
Thời gian qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến phức tạp, gây ra hậu quả lớn cho người dân. Bộ Công an và Công an TP.HCM thường xuyên cung cấp thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tin nhắn SMS để cảnh báo những phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Phần kết: Đứng trước tình hình trên, Blog News.appotapay hi vọng người dùng tài khoản ngân hàng và ví điện tử cần hết sức cẩn thận, cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi của những kẻ lừa đảo để bảo vệ tài sản của chính mình.
Bài viết có tham khảo thêm từ Vneconomy