Tưởng chừng như đang phát triển mạnh mẽ thế nhưng thương mại điện tử Mỹ lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn kể từ sau đại dịch Covid 19 khiến doanh thu chững lại, người tiêu dùng e dè, đối thủ cạnh tranh ngày càng nhiều…
Amazon vào đầu tháng 8 đã công bố báo cáo kinh doanh với mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái (chưa gồm mảng điện toán đám mây). Tuy nhiên, khi nhìn bức tranh rộng hơn, số liệu này chỉ bằng một phần nhỏ so với mức tăng trưởng doanh thu 42% tại cùng thời điểm năm 2020. Thậm chí, công ty của tỷ phú Jeff Bezos còn tăng trưởng chậm hơn so với trước đại dịch.
Wafair, nhà cung cấp đồ nội thất trực tuyến hàng đầu của Mỹ, trong cùng ngày đã báo cáo doanh số bán hàng giảm trong quý thứ 9 liên tiếp. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Anh, Pháp và Đức, theo số liệu từ công ty tư vấn Euromonitor.
Sàn thương mại điện tử Mỹ gặp khủng hoảng do kinh tế?
Ba năm trước, các nhà phân tích dự báo thời kỳ hoàng kim của thương mại điện tử đang đến, sau khi chứng kiến doanh số bùng nổ trên nhiều nền tảng. Các nhà đầu tư cũng lạc quan, tin rằng người mua sắm sẽ tiếp tục mua hàng trên internet sau khi đại dịch kết thúc và đưa thương mại điện tử lên một tầm cao mới. Các nhà bán lẻ đua nhau mở rộng hiện diện trên mạng, cũng như củng cố các mạng lưới giao hàng.
Thế nhưng, bất chấp bóng đen Covid-19 đã lùi lại, các nhà bán lẻ Mỹ vẫn gặp vô vàn thách thức. Nền kinh tế chậm lại chỉ là một phần nguyên nhân dẫn đến sự đảo chiều, theo các nhà phân tích.
Sau khi tăng đột biến vào đầu năm 2020, tỷ lệ chi tiêu bán lẻ trực tuyến ở Mỹ vẫn duy trì ở mức khoảng 15%, tương đương với mức trước đại dịch. Một số mặt hàng nhất định như quần áo và đồ nội thất, mức độ thâm nhập của thương mại điện tử ở Mỹ thậm chí đã giảm so với đỉnh điểm của đại dịch, theo ngân hàng đầu tư Cowen. Lý giải đơn giản nhất là người tiêu dùng ưa chuộng việc trực tiếp kiểm tra trang phục và tủ đựng quần áo của họ hơn là qua màn hình máy tính.
Tỷ lệ mua hàng tạp hóa trực tuyến của Mỹ cũng chứng kiến sự tăng trưởng chậm lại. Từ 2019-2020, tỷ lệ này đã tăng từ 4% lên 7%. Nhưng cho tới năm ngoái, con số mới đạt 9%. Lý giải điều này, các nhà nghiên cứu cho biết nhiều người không hài lòng với những sản phẩm bị dập nát hoặc chưa chín được chuyển tới nhà.
Về phần mình, các nhà bán lẻ Mỹ cũng đang phải vật lộn với bài toán lợi nhuận của bán hàng tạp hóa trực tuyến. Theo tập đoàn tư vấn Bain, tạp hóa là một ngành kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận hoạt động thấp, chỉ từ 2% đến 4%. Cộng thêm chi phí nhân công chọn sản phẩm từ các kệ hàng và tài xế vận chuyển chúng đến khách hàng, khiến ngành hàng này thua lỗ.
Chi phí logistics ngày càng cao là một nguyên nhân khác khiến người tiêu dùng e ngại. Không còn các biện pháp cách ly, người mua sắm giờ có thể tiết kiệm được khoản tiền tương đối từ phí giao hàng. Theo khảo sát của McKinsey, 47% người Mỹ cho biết sẽ mua sắm hàng tạp hóa trực tuyến nhiều hơn nếu phí giao hàng thấp đi.
Nhà nghiên cứu Stephen Caine của tập đoàn Bain cho biết người tiêu dùng đang lựa chọn cách nhận hàng tại các điểm giao hàng cố định để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, ông này chỉ ra rằng thương vụ Amazon mua lại Whole Foods, một siêu thị sang trọng với giá 14 tỷ USD năm 2017 cho thấy các cửa hàng truyền thống vẫn sẽ là trung tâm của kinh doanh tạp hóa trong tương lai gần.
Cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt
Trong khi đó, các nhà bán lẻ Mỹ phải đối diện với sự lấn sân từ các công ty phi truyền thống khác. Shein, một công ty bán lẻ thời trang nhanh trực tuyến của Trung Quốc, đang mở rộng sang các mặt hàng như đồ điện tử và nội thất. Tập đoàn này chuẩn bị ra mắt một thị trường cho người bán bên thứ ba.
Hay một thách thức khác đến từ TikTok. Để kiếm tiền từ thời gian sử dụng của người dùng, TikTok cho phép các doanh nghiệp chèn quảng cáo và gắn các liên kết để mua sản phẩm mà không cần rời ứng dụng. Mô hình được gọi “giải trí mua sắm” này đã được chứng minh thành công ở Trung Quốc với phiên bản Douyin.
Thách thức cuối cùng, đó là nhu cầu bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng của các nhãn hàng đang gia tăng. Euromonitor cho biết, doanh số bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng tăng gấp bốn lần trong 8 năm qua.
Nhà nghiên cứu Michelle Evans của Euromonitor cho rằng, các thương hiệu đã nhận ra nhiều lợi ích từ việc trực tiếp xây dựng kênh mua trực tuyến riêng, bao gồm nhiều quyền truy cập hơn vào dữ liệu của người mua giúp các thương hiệu tăng tốc độ đổi mới; hay loại bỏ bên trung gian để cải thiện lợi nhuận.
Nhà sản xuất đồ thể thao nổi tiếng Nike cũng nằm trong số những thương hiệu nắm bắt xu hướng này. Doanh số bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng của công ty đã tăng từ 17% lên 42% tổng doanh thu trong thập kỷ qua, với hơn một nửa doanh số bán hàng đến từ kênh trực tuyến.
Xu hướng tối ưu hóa lợi nhuận thông qua giảm bớt bên trung gian đang đặt ra cho các nhà bán lẻ trực tuyến truyền thống một bài toán khó. Để tồn tại và phát triển, họ sẽ phải tìm cách thích ứng bằng cách nâng cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến và hạ giá thành vận chuyển. Chỉ khi đó, người tiêu dùng mới có thêm động lực để quay trở lại.
Để tồn tại và phát triển, các ông lớn trong ngành thương mại điện tử và bán lẻ trực tuyến sẽ phải tìm cách nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến, giảm giá vận chuyển, cải tiến mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nguồn bài: Diendandoanhnghiep