Thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam hiện nay ra sao?

Dịch vụ thanh toán mua trước trả sau (Buy now pay later) ngày càng phổ biến trên thế giới trong đó có Việt Nam. Sự xuất hiện của xu hướng này đã làm thay đổi quan niệm mua hàng hóa của người tiêu dùng. Năm 2024, BNPL đang phát triển như thế nào?

Mua trước trả sau là một hình thức thanh toán cho phép người tiêu dùng mua hàng mà không cần phải trả tiền trước. Tức là có thể chọn chia nhỏ khoản tiền thành nhiều đợt với lãi suất thấp từ 0%. Mô hình này mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và người bán.

Xu hướng mua trước trả sau tại Việt Nam

Theo báo cáo của Research & Markets, quy mô thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam hiện nay đạt 2.281,4 triệu USD, tăng 100% so với năm 2022. Trong giai đoạn 2023-2029, thị trường dịch vụ mua trước trả sau ở Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 33%, đạt 12.627,32 triệu USD vào năm 2029 (số liệu của BlueWeave Consulting).

Thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam hiện nay ra sao 1

Số liệu báo cáo của Research & Markets cũng chỉ ra, 85% số người trẻ Việt Nam sử dụng dịch vụ mua trước trả sau. Không những thế, người trẻ ngày nay còn có xu hướng chi tiêu cho trải nghiệm, tâm lý mua hàng để thỏa mãn cái tôi nhất thời.

Dịch vụ mua trước trả sau còn thu hút khách hàng trẻ bởi sự nhanh chóng, tiện lợi, dễ dàng kích hoạt và sử dụng. Ở bất cứ đâu, chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối internet cùng căn cước công dân là có thể đăng ký thành công và sử dụng ngay.

Không tính phí duy trì, giảm 50% hóa đơn đầu tiên, hoàn tiền miễn phí vận chuyển… Các đơn vị cung cấp dịch vụ mua trước trả sau không ngừng đưa ra ưu đãi hấp dẫn, đồng thời đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội để tăng độ nhận diện và thu hút khách hàng. 

Nhằm đáp ứng nhu cầu và xu hướng ngày càng tăng của người tiêu dùng tại Việt Nam, cuối năm 2023, công ty Visa đã hợp tác với Sacombank, HDBank, Alepay và NextPay ra mắt giải pháp trả góp VIS. Trước đó, Kredivo cũng hợp tác với OnePay mang dịch vụ “mua trước trả sau” đến thị trường Việt Nam. Hợp tác với trung gian thanh toán, nhà đầu tư đến từ Indonesia này có thể kết nối với 4.000 nhà bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam để phát triển các khoản cho vay.

Tiềm năng thị trường của BNPL lớn

Theo các chuyên gia kinh tế – tài chính, ưu điểm nổi bật của thị trường “mua trước trả sau” là đáp ứng ngay nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ của người dân mà họ không phải chi trả ngay toàn bộ chi phí; thủ tục đơn giản, chỉ cần đăng ký tài khoản qua ứng dụng, cung cấp thông tin cá nhân và khoản vay mà không cần chứng minh thu nhập; đa dạng các hình thức thanh toán và áp dụng được với nhiều sản phẩm dịch vụ. Vì thế, dự báo trong vài năm tới, thị trường “mua trước trả sau” sẽ là hình thức cho vay trực tuyến phát triển mạnh nhất trong số các hình thức cấp tín dụng cho lĩnh vực tiêu dùng.

Thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam hiện nay ra sao 2

Báo cáo của của Reasearch & Markets cũng nhận định, thị trường “mua trước trả sau” tại Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng 45%/năm trong giai đoạn 2022 – 2028, đạt quy mô 4,7 tỷ USD khi ngày càng nhiều người dân chọn hình thức này để mua sắm hàng hóa. Trong khi đó, theo Forbes, thị trường “mua trước trả sau” có thể đạt tới 680 tỷ USD trong giá trị giao dịch vào năm 2025. Doanh thu của các công ty “mua trước trả sau” phần lớn đến từ lãi suất vay, phí đối tác, phí thẻ tín dụng ảo, bán các khoản vay và phí phục vụ cho một nhà đầu tư khác, hoa hồng trên mỗi giao dịch thành công khi kết hợp với ngân hàng hoặc một tổ chức tài chính để cho vay “mua trước trả sau”.

Lợi ngắn hạn, nhưng hại dài hạn

Mua trước nhưng không đủ trả sau là câu chuyện chung của nhiều bạn trẻ hiện nay, nhất là những người có thu nhập ở mức thấp và trung bình. Khảo sát về người trẻ sử dụng dịch vụ mua trước trả sau của VietnamFinance chỉ ra, 74% số người tham gia đã và đang dùng hình thức này, 35% trong số đó từng quá hạn thanh toán.

Không thể phủ nhận dịch vụ mua trước trả sau đáp ứng nhu cầu nhiều người tiêu dùng. Thế nhưng, nếu “vung tay quá trán”, họ dễ rơi vào tình trạng nợ nần, lo lắng và áp lực. Thực chất, mua trước trả sau là một khoản nợ ngắn hạn. Một số ví trả sau tính phí dịch vụ hoặc phí chuyển đổi trả góp tính trên tổng giá trị thanh toán, phí trả chậm. Chi phí này tính ra không nhỏ nhưng không phải ai cũng để tâm. Vòng lặp mua – nợ chỉ đi đến hồi kết khi người dùng muốn thoát ra. 

Mặc dù tiềm năng của mua trước trả sau rất lớn và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới đây nhưng cần phải có thận trọng khi sử dụng BNPL. 

Nguồn bài: Tổng hợp