Ở bài trước chúng tôi đã đề cập đến thực trạng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam hiện nay như thế nào. Có thể thấy còn rất nhiều vấn đề vấn đề cần phải giải quyết nếu muốn Mobile Money có chỗ đứng. Sau đây hãy cùng tìm hiểu những giải pháp đẩy mạnh dịch vụ Mobile Money ở Việt Nam với blog News.appotapay nhé.
Chúng ta không thể phủ nhận những nỗ lực đóng góp cũng như thành tựu đáng kinh ngạc của Mobile Money hay còn gọi là tiền di động đối với kinh tế – xã hội sau hơn 2 năm triển khai, bắt đầu từ tháng 3/2021.
Contents
Thành tích sưu 2 năm triển khai Mobile Money
Theo số liệu được tính đến tháng 5/2023 của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông):
– Có hơn 3,9 triệu người sử dụng dịch vụ Mobile Money tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ tháng 4/2022. Số người dùng Mobile Money tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 2,7 triệu khách hàng, chiếm 69% số người sử dụng dịch vụ.
– Cả nước có 9.953 điểm kinh doanh dịch vụ Mobile Money, tăng 12% so với tháng 3/2023. – Có 15.326 điểm chấp nhận thanh toán qua hình thức Mobile Money
– Tổng số lượng các giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán): hơn 26,1 triệu giao dịch, với tổng giá trị giao dịch hơn 1.683 tỷ đồng.
Người dân ở các vùng khó khăn, những nơi chưa có mạng lưới hệ thống ngân hàng, những người không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ chuyển tiền, nạp tiền, rút tiền, thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng, thuận tiện.
Bên cạnh đó Mobile Money còn mở ra cơ hội cho các nhà mạng khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng, tăng doanh thu và đa dạng hóa dịch vụ cung cấp, tiến tới, hoàn thiện hệ sinh thái kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng kể trên thì Mobile Money ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn nhất định.
>>> Mời bạn xem thêm: Thực trạng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam hiện nay thế nào?
Giải pháp đẩy mạnh dịch vụ Mobile Money ở Việt Nam
Để cải thiện và đẩy mạnh dịch vụ Mobile Money ở Việt Nam trong thời gian tới, tác giả đưa ra một số khuyến nghị.
Về hành lang pháp lý
Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho Mobile Money. Việc xây dựng hành lang pháp lý cần hướng đến:
(1) Mở rộng đối tượng tham gia, vì đây là mô hình được nhiều nước trên thế giới áp dụng và rất thành công. Còn ở nước ta, nếu chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông được phép tham gia cung cấp dịch vụ Mobile Money, thì lĩnh vực này sẽ khó thu hút đầu tư, thiếu các sản phẩm và dịch vụ mang tính mới mẻ và sáng tạo, đồng thời cũng rất khó phổ cập dịch vụ này tới tất cả người dùng và điểm bán hàng. Trong khi hiện nay, hệ thống ngân hàng, các công ty Fintech đang rất phát triển và có nhiều lợi thế, kinh nghiệm trong cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, cần tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ Mobile Money, qua đó thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức tham gia;
(2) Nâng hạn mức giao dịch của Mobile Money, bởi hạn mức hiện nay đang là cản trở đối với những người thường xuyên chi tiêu và mua sắm, nhất là ở khu vực thành thị. Việc nâng hạn mức làm sao không để quá chênh lệch so với ví điện tử và thỏa mãn được nhu cầu chi tiêu của đa số người dân Việt Nam, đồng thời có thể hạn chế tối đa các loại tội phạm liên quan đến dịch vụ này;
(3) Có chính sách cho người sử dụng dịch vụ Mobile Money. Chính sách phải mang lại những lợi ích cho người sử dụng dịch vụ, có thể tiếp cận được các sản phẩm và dịch vụ tài chính khác.
Trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý, cần có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan, như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước… Đồng thời, cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước có dịch vụ Mobile Money phát triển để đảm bảo tính phù hợp, đồng bộ và nhất quán trong các văn bản.
Về mặt công nghệ hạ tầng
Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục đầu tư vào công nghệ, thiết bị viễn thông để nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn, an ninh mạng; tiếp tục phủ sóng các vùng lõm sóng và mạng 5G trên toàn quốc; giải quyết dứt điểm SIM rác, cuộc gọi rác, thư rác.
Về mặt an toàn bảo mật
Đối với các tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ Mobile Money, cần chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong giao dịch và bảo vệ quyền lợi khách hàng nhằm hạn chế những rủi ro xảy ra.
Các doanh nghiệp viễn thông ngoài đầu tư vào công nghệ, thiết bị viễn thông cũng cần xây dựng mạng lưới điểm giao dịch và chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, quy trình cung cấp dịch vụ Mobile Money đồng bộ, đồng thời đào tạo một đội ngũ nhân viên đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng; thực hiện nhiều chương trình quảng cáo và hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money, mang đến sự hiểu biết và niềm tin của người dân vào dịch vụ này.
Các ngân hàng cần tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và công nghệ số theo hướng đồng bộ, tập trung thống nhất có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác…
Tóm lại cần sự phối hợp giữa các ban ngành, đầu tư công nghệ, tăng cường tuyên truyền quảng báo nhưng cũng đồng thời chú trọng vào khâu an toàn bảo mật thì mới có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn nữa. Trên đây là một số giải pháp đẩy mạnh dịch vụ Mobile Money ở Việt Nam cần đặc biệt quan tâm.
Nguồn bài: Tapchitaichinh