Song song với những tiềm năng phát triển thì thanh toán điện tử tại Việt Nam giai đoạn 2022 – 2025 còn gặp không ít thách thức và đưa ra giải pháp phát triển mang tính ổn định, phù hợp và lâu dài.
Thực trạng thanh toán điện tử tại Việt Nam đầu năm 2023
Trong 5 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng; qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%; qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị; qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022, thanh toán số tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 143 tỷ USD tổng giá trị giao dịch tại Việt Nam vào năm 2025.
Bên cạnh đó, ở mảng ví điện tử quý I/2023, siêu ứng dụng MoMo chiếm 68% thị phần, tiếp theo Zalopay chiếm 53%, Viettelpay chiếm 27%, ShopeePay (Airpay) có thị phần 25%, VNPay ở vị trí tiếp theo với 16% và ví điện tử Moca (Grabpay) đứng ở vị trí thứ 6 với 7%.
Thách thức của thanh toán điện tử tại Việt Nam trong giai đoạn 2022 – 2025
Mặc dù đang phát triển rất tốt theo định hướng chung nhưng thanh toán điện tử tại Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức như sau:
- Môi trường pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ.
Trên thực tế, các chính sách về thanh toán điện tử ra đời chưa có đột phá đáng kể và chưa được luật hóa, nhiều quy định còn bất cập và chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, nhiều dịch vụ thanh toán điện tử mới ra đời như: tiền ảo, tiền kỹ thuật số,… nhưng hành lang pháp lý chưa được thiết lập cụ thể. Chính vì vậy, hoạt động tạo môi trường phát triển dịch vụ và hình thành cơ chế bảo vệ các chủ thể, khách thể trong hoạt động thanh toán điện tử cũng như xây dựng quy trình giải quyết tranh chấp chưa đạt hiệu quả mong muốn.
- Thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ lớn
Việt Nam là một nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiền mặt, do tỷ lệ bao gồm tài chính thấp, nơi hơn 70% dân số không thuộc hệ sinh thái ngân hàng, khả năng tiếp cận thông tin tài chính hạn chế. Chính vì vậy, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân và điều này trở nên phổ biến hơn ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngay cả trong các giao dịch thương mại điện tử thì thanh toán điện tử vẫn còn ở mức thấp, đa phần người dân thực hiện mua sắm bằng hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng – COD, chiếm khoảng 85 – 90% tổng số giao dịch.
Nguyên nhân chính là do thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh an toàn khi thực hiện mua sắm trực tuyến và chi phí khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.
- Thiếu sự liên kết giữa ngân hàng, trung gian thanh toán và công ty cung cấp giải pháp thanh toán điện tử
Hiện nay, các tổ chức tài chính gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và các công ty cung cấp giải pháp thanh toán điện tử đều tự xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán mà chưa có sự liên kết, phối hợp và chia sẻ hạ tầng thanh toán với nhau. Điều này, làm cho cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thanh toán điện tử vừa thừa nhưng lại vừa thiếu, vừa lãng phí nhưng lại không tận dụng được hạ tầng chung. Các hình thức thanh toán mới như QR Code, sinh trắc học,… bắt đầu phát triển nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng.
Trên thực tế, hiện có khá nhiều sản phẩm thanh toán phi tiền mặt, nhưng mới chỉ có hệ thống thẻ ngân hàng là được kết nối liên thông. Trên thị trường có 50 – 60 ví điện tử, song không liên kết với nhau và mỗi ví sử dụng một QR Code khác nhau. Chưa kể sắp tới khi thị trường có thêm sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông vào cung cấp phương tiện thanh toán điện tử sử dụng hệ thống tài khoản viễn thông riêng, không kết nối với tài khoản ngân hàng. Vì vậy, thanh toán điện tử tại Việt Nam mặc dù đa dạng nhưng chưa tạo lập được một hệ thống liên thông giữa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử để tạo tiện lợi cho khách hàng.
- Thiếu sự liên kết trên phạm vi rộng giữa các trung gian thanh toán với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ.
Hiện nay, giữa các trung gian thanh toán với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chưa thiết lập được mối quan hệ bền chặt, rộng khắp. Tại nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ, người dân vẫn chưa thể áp dụng các phương tiện thanh toán điện tử, dù họ có mong muốn thực hiện, có đủ kiến thức, kỹ năng và sở hữu các phương tiện thanh toán điện tử.
- Gian lận và nguy cơ lừa đảo từ thanh toán điện tử đang có xu hướng gia tăng.
Trong báo cáo Online Payment Fraud: Emerging Threats, Segment Analysis & Market Forecasts 2021-2025, Juniper Research đã cảnh báo tội phạm gian lận và lừa đảo trong thanh toán điện tử đang có xu hướng di chuyển địa bàn hoạt động từ châu Âu sang thị trường châu Á, sau khi các nước châu Âu áp dụng công nghệ cao vào hoạt động thanh toán. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá có thể là đích ngắm của giới tội phạm trong thời gian tới sau khi chúng đã hoạt động mạnh tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia.
Giải pháp phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam giai đoạn 2022 – 2025
Để sự phát triển của thanh toán điện tử tại Việt Nam đi đúng định hướng, Chính phủ, các tổ chức tín dụng bao gồm cả ngân hàng, trung gian thanh toán và các công ty fintech, người dân cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
- Về phía Chính phủ
Thứ nhất, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động quản lý rủi ro thanh toán; nghiên cứu ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thanh toán điện tử; các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, an toàn, bảo mật và các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Đẩy mạnh hoạt động quản lý, giám sát đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán điện tử mới tại Việt Nam.
Thứ hai, ban hành và thực hiện chính sách, cơ chế giám sát toàn diện các hệ thống thanh toán tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế, phù hợp với các điều kiện của Việt Nam nhằm đảm bảo sự ổn định, an toàn và hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia.
Thứ ba, chỉ đạo cấp có thẩm quyền nghiên cứu ban hành quy định về cơ chế phối hợp giữa các tổ chức tín dụng, bao gồm: các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán và các công ty cung cấp phương tiện và giải pháp thanh toán điện tử để tạo sự liên thông trong thanh toán, tiết kiệm chi phí do sử dụng chung hạ tầng và sự tiện lợi tối ưu cho người sử dụng.
Thứ tư, tiếp tục chỉ đạo các cấp có thẩm quyền tại địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông đồng bộ, hiệu quả trong việc phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của cả tổ chức và người dân. Thông qua đó nâng cao khả năng tiếp cận và khuyến khích sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử trong các giao dịch dân sự và thương mại.
Thứ năm, tiếp tục chuẩn hóa và ban hành mới những quy định liên quan đến bảo mật thông tin khách hàng, chia sẻ thông tin và quy định về sử dụng mạng dữ liệu, bảo vệ quyền lợi người dùng thanh toán điện tử và có các chế tài mạnh mẽ để xử lý các hành vi đánh cắp thông tin thanh toán hoặc can thiệp vào giao dịch thanh toán điện tử.
- Về phía các tổ chức tín dụng
Đối với các tổ chức tín dụng bao gồm: các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán và công ty cung cấp dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử cần thực hiện các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử. Cần kiểm tra và đánh giá tổng thể công tác an ninh mạng, an ninh thanh toán điện tử thường xuyên và định kỳ nhằm tìm ra các lỗ hổng và nguy cơ một cách kịp thời để có các biện pháp khắc phục, hạn chế tối đa rủi ro kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình quản lý rủi ro cho hệ thống thanh toán tích hợp và hiệu quả để phát hiện, phân loại, xử lý và phòng tránh rủi ro có hiệu quả ở tất cả các khâu trong quá trình giao dịch thanh toán.
Thứ hai, cần kết hợp kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình và hoạt động cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử một cách định kỳ, thường xuyên nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gian lận tại đơn vị chấp nhận thanh toán hoặc can thiệp trái phép nhằm đánh cắp thông tin trong quá trình người dùng sử dụng phương tiện hoặc dịch vụ thanh toán điện tử. Đồng thời, tăng cường hệ thống đảm bảo an toàn, bảo mật và các giải pháp xác thực khách hàng cho các giao dịch thanh toán điện tử.
Thứ ba, cần quan tâm sát sao hơn nữa đến việc thường xuyên thông tin cập nhật các hình thức lừa đảo trong thanh toán điện tử đến khách hàng, người sử dụng cũng như đưa ra các cảnh báo đề phòng, hướng dẫn khách hàng, người sử dụng để phòng tránh các nguy cơ lừa đảo; khuyến cáo khách hàng tăng tính bảo mật thông tin trong thanh toán, để hạn chế rủi ro phát sinh liên quan đến hoạt động thanh toán điện tử.
Thứ tư, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán, lấy việc cung ứng dịch vụ trên thiết bị di động làm mục tiêu chính. Đồng thời chủ động liên kết, phối hợp với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ để kết nối, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin của các tổ chức, cá nhân này với hệ thống thanh toán của các tổ chức tín dụng.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giúp cho họ có thể hỗ trợ khách hàng một cách nhanh chóng, đúng nhu cầu, rút ngắn thời gian giao dịch và giảm các mức phí dịch vụ để thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư công nghệ, trang thiết bị thanh toán để phòng tránh các rủi ro về lỗi kỹ thuật hay hạn chế năng lực quản lý của con người trong quá trình vận hành và thực hiện các giao dịch thanh toán.
- Đối với người dân sử dụng thanh toán điện tử
Người dân sử dụng thanh toán điện tử là người trực tiếp thực hiện, sử dụng các phương tiện và dịch vụ thanh toán, vì vậy sự an toàn và an ninh trong quá trình thanh toán phụ thuộc khá lớn vào chính thao tác và hành động của họ. Do đó, người dân cần nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình trong đẩy mạnh sự phát triển của thanh toán điện tử để thực hiện các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, khi sử dụng các phương tiện hoặc dịch vụ thanh toán điện tử, chẳng hạn như: ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking,… người dân sử dụng cần cài đặt các chương trình diệt virus, bảo mật và đặc biệt không nhấp vào các đường link lạ.
Thứ hai, người dân sử dụng cũng nên cảnh giác, không sử dụng mạng công cộng để tiến hành thanh toán. Nếu bắt buộc phải truy cập thông qua một mạng công cộng, hãy kết nối qua một mạng ảo (gọi là VPN) khi đó mọi chi tiết truy cập sẽ được mã hóa qua mạng ảo này và hạn chế được rủi ro đánh cắp thông tin.
Thứ ba, người dân sử dụng thanh toán điện tử nên đăng ký dịch vụ tin nhắn thông báo số dư hoặc kiểm tra thường xuyên trên các ứng dụng thanh toán. Đây là giải pháp vừa hữu hiệu lại vừa đơn giản để quản lý tài khoản vì bất kỳ giao dịch nào phát sinh đều được gửi tin nhắn thông báo cho người sử dụng.
Thứ tư, người dân sử dụng thanh toán điện tử nên chia sẻ kiến thức, những tiện ích, sự hữu dụng và thuận tiện khi sử dụng thanh toán điện tử cho những người khác để tạo nên sự phổ biến, góp phần thúc đẩy số lượng người dùng thanh toán điện tử.
Phần kết: Trên đây là hiện trạng, thách thức cũng như giải pháp phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam giai đoạn 2022 – 2025. Qua đây chúng ta có thể thấy con đường đưa thanh toán điện tử trở thành thói quen của người dân còn khá gian nan, cần sự nỗ lực và phối hợp của tất cả mọi người, bao gồm cả người dùng.
Nguồn bài tham khảo: Tapchicongthuong và Internet