Thời gian gần đây, hệ sinh thái số tại Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ. Đến mức, trang Finextra của Anh đã đăng bài viết nói về 5 xu hướng mới đang định hình thanh toán kỹ thuật số ở nước ta hiện nay. Dưới đây là những xu hướng được trang Finextra nhắc tới.
Contents
Sự trỗi dậy của ví điện tử
Đây là một trong những xu hướng quan trọng nhất trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam. Những nền tảng ví điện tử hàng đầu như MoMo, ZaloPay, ví Appota đã trở nên phổ biến. Những ví điện tử này cung cấp nhiều loại hình dịch vụ, từ thanh toán hóa đơn và nạp tiền điện thoại di động đến mua sắm trực tuyến và thậm chí cả dịch vụ gọi xe.
Người tiêu dùng bị hấp dẫn trước sự tiện lợi và bảo mật của những ví này vì có thể truy cập dễ dàng thông qua các ứng dụng di động. Nhờ đó, giao dịch ví điện tử tăng mạnh, theo đó giảm giao dịch tiền mặt.
Thanh toán QR code trở nên phổ biến
Thanh toán bằng cách quét mã QR code trở nên phổ biến, được sử dụng rộng rãi trong các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ và thậm chí cả những người bán hàng rong. Mã QR đã giúp thanh toán hiệu quả và không cần tiếp xúc, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Khách hàng đánh giá cao tốc độ và tính đơn giản của việc giao dịch bằng cách quét nhanh mã QR.
Sáng kiến của Chính phủ
Chính phủ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số. Các sáng kiến như Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã trở thành công cụ tiêu chuẩn hóa hệ thống thanh toán và tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tương tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán.
Những nỗ lực này nhằm giảm phụ thuộc vào tiền mặt và tăng cường tích hợp tài chính. Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng.
Chuyển khoản ngang hàng (P2P)
P2P được ưa chuộng, cho phép các cá nhân dễ dàng chuyển tiền cho bạn bè, gia đình và thậm chí cả doanh nghiệp. Chuyển khoản P2P được sử dụng cho nhiều mục đích như chia hóa đơn, chia sẻ chi phí và gửi kiều hối. Nhờ sự tiện lợi nên các nền tảng này đã trở thành lựa chọn ưu tiên cho một loạt các giao dịch tài chính.
Thanh toán xuyên biên giới
Với sự phát triển của mạng Internet làm tiền đề, thanh toán xuyên biên giới trở thành khái niệm quen thuộc với tất cả mọi người.
Cross-border payments hay thanh toán xuyên biên giới là các giao dịch tài chính mà trong đó người gửi tiền và người nhận tiền đặt tại các quốc gia khác nhau. Tong bối cảnh thương mại quốc tế của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và các ngân hàng truyền thống cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp và cá nhân gửi và nhận tiền quốc tế. Những dịch vụ này không chỉ tiện lợi mà còn tiết kiệm chi phí, giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tham gia thương mại toàn cầu hơn.
Ví điện tử, cổng thanh toán, mã QR, thẻ không tiếp xúc và các giải pháp fintech khác đã góp phần rất lớn vào việc định hình lại lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam. Thanh toán không sử dụng tiền mặt lên ngôi, mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nguồn bài tham khảo: Laodong