Đứng trên lập trường của người bán, bạn sẽ là người tìm hiểu về các phương thức thanh toán phổ biến tại cửa hàng bán lẻ hiện nay hơn là người mua. Bởi vì bạn là người kinh doanh, bạn muốn kiểm soát việc thanh toán và tìm ra phương thức thanh toán phù hợp với cửa hàng.
Dưới đây là một số phương thức thanh toán phổ biến nhất tại cửa hàng bán lẻ cho bạn tham khảo.
Contents
Thanh toán bằng tiền mặt
Đây có thể được xem là phương pháp thanh toán đời đầu và phổ biến nhất cho đến thời điểm trước khi đại dịch Covid bùng phát. Hầu hết các cửa hàng bán lẻ đều áp dụng và thậm chí đây còn là phương thức duy nhất ở một số cửa hàng bán lẻ truyền thống.
Ưu điểm:
– Khách hàng nào cũng có thể thanh toán
– Không phải chịu phí giao dịch
– Không cần phải đầu tư thiết bị tích hợp thanh toán
– Không cần kết nối mạng
Nhược điểm:
– Dễ tính toán sai số, nhầm lẫn
– Kiểm đếm, quản lý mất thời gian
– Cần có chỗ để bảo quản tiền mặt an toàn
– Dễ bị thất thoát do nhân viên chiếm dụng hoặc khách hàng dùng tiền giả
Như đã đề cập ở phía trên, kể từ sau đại dịch, xu hướng thanh toán của người tiêu dùng đã dần thay đổi. Họ không mang theo nhiều tiền mặt bên người, mà thay vào đó là thẻ hoặc điện thoại thông minh.
Phương thức thanh toán COD
COD là viết tắt của từ Cash on Delivery có nghĩa là giao hàng thu tiền hộ. Phương thức thanh toán này áp dụng khi khách hàng muốn cửa hàng vận chuyển (ship) đồ đến nhà.
Đơn hàng sẽ được shop chủ động giao hoặc do một bên thứ ba thực hiện. Đối với bên thứ ba, bạn có thể yêu cầu họ ứng trước rồi thu lại từ khách hoặc giao đồ cho khách, nhận tiền và hoàn trả shop.
Ưu điểm, nhược điểm của phương thức này tương tự thu tiền mặt tại cửa hàng. Tuy nhiên vì có xuất hiện bên dịch vụ thứ ba là người vận chuyển (shipper) nên cần xem xét cẩn thận trước giao hàng và nhận tiền.
Thanh toán bằng thẻ ngân hàng
Thanh toán bằng thẻ ngân hàng (hay thẻ ATM) là hình thức thanh toán qua máy quẹt thẻ (máy POS). Nhân viên bán hàng sẽ giúp khách cà thẻ, nhập số tiền cần thanh toán vào máy POS và để khách hàng tự nhập mã pin, sau đó ký lên hóa đơn là xong.
Các loại thẻ có thể sử dụng để thanh toán qua máy POS là: thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ nội địa, quốc tế. Phương thức này thuận tiện hơn so với thanh toán tiền mặt.
Ưu điểm:
– Thanh toán nhanh gọn
– Loại bỏ được các hạn chế của thanh toán tiền mặt
– Có thể quản lý chính xác nguồn thu qua báo cáo của ngân hàng
Nhược điểm:
– Có thể bị lỗi thẻ, lỗi thanh toán trong quá trình thao tác
– Khi gặp vấn đề cần liên hệ với ngân hàng để phối hợp giải quyết
– Cần đầu tư thêm máy POS quẹt thẻ
– Phí giao dịch qua máy POS khá cao
Thanh toán bằng chuyển khoản
Chuyển khoản là một phương thức thanh toán sử dụng ứng dụng Mobile banking/Internet banking của các ngân hàng để chuyển tiền giữa các tài khoản (không nhất thiết phải cùng 1 ngân hàng).
Khi giao dịch thành công, người mua sẽ hiển thị biên lai chuyển tiền, còn người bán sẽ nhận được thông báo về số tiền vừa được chuyển vào tài khoản. Nếu mua hàng online người mua sẽ gửi biên lai tới người bán để shop xác nhận thanh toán
Lưu ý: Các chủ shop nên đợi tiền về tài khoản mới xác nhận đã thanh toán, không nên tin 100% vào hình ảnh chụp màn hình hoặc biên lai của khách, các số liệu có thể bị làm giả.
Thanh toán bằng ví điện tử
Chúng ta đã trở nên quá quen thuộc với những cái tên như MoMo, ví Appota, Viettelpay, Zalopay, VNpay… Chính xác thì đây là ứng dụng ví điện tử giúp người mua thanh toán, chuyển tiền, nạp tiền nhanh chóng và dễ dàng.
Một số ví điện tử còn có thêm hình thức thanh toán qua QR code cũng được nhiều cửa hàng bán lẻ áp dụng. Chỉ cần để mã QR ở quầy thu ngân, khi muốn thanh toán khách hàng chỉ cần quét mã và thực hiện giao dịch.
Ở bài viết này chúng tôi không đề cập đến cổng thanh toán hay Payment Link bởi vì cổng thanh toán trực tuyến thường sử dụng để thanh toán trên website bán hàng online. Hi vọng các chủ shop/ cửa hàng bán lẻ sẽ tìm thấy phương thức thanh toán hiệu quả và phù hợp nhất.