Mua trước, trả sau: Tiềm ẩn mối nguy hại cần thẳng thắn nhìn nhận

Mua trước, trả sau (Buy now, Pay later – BNPL) đang trở thành xu hướng tiêu dùng được đón nhận tại Việt Nam. Nhưng nếu nhìn thẳng vào sự thật thì hình thức này tiềm ẩn mối nguy hại cần phải đưa ra hành lang pháp lý để bảo vệ khách hàng. 

Sau Covid và mua sắm trực tuyến bùng nổ, BNPL cũng theo đà đó phát triển mạnh mẽ nhờ nhiều biện pháp kích thích mua sắm và các gói hỗ trợ tín dụng lãi suất cực thấp. Khác với hình thức trả góp truyền thống, mua trước trả sau cung cấp các khoản vay không tính lãi đối với khoản tiền nhỏ nên lại càng được lòng người tiêu dùng. 

Mua trước trả sau tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng lo ngại

Chỉ cần xác minh khả năng tín dụng là người mua đã có thể mua được sản phẩm mong muốn và trả trong nhiều tuần, nhiều tháng. 

Với người bán hàng, chi phí mà họ phải bỏ ra cho công ty cung cấp dịch vụ BNPL thường cao hơn so với thẻ tín dụng. Đổi lại người bán cũng được hưởng lợi từ doanh số bán hàng cao hơn vì người mua có xu hướng mua nhiều hàng và trả nhiều tiền hơn. Sự bùng nổ của thị trường BNPL đang thôi thúc ngày càng nhiều công ty công nghệ tài chính tham gia vào lĩnh vực này.

Mua trước, trả sau: Tiềm ẩn mối nguy hại cần thẳng thắn nhìn nhận 1

Vấn đề ở đây là BNPL có xu hướng khiến người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, vượt ngoài tầm kiểm soát vì mua hàng quá nhiều, hoặc mua những món đồ đắt tiền hơn dự kiến.

Có thể dễ dàng nhận thấy, ‘‘mua trước trả sau’’ sẽ là lựa chọn hấp dẫn với một bộ phận dân số vì mang lại khả năng tiếp cận tín dụng cho những người không sở hữu thẻ tín dụng, hay không có điều kiện vay ngân hàng. Chẳng hạn, các bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z, trên 18 tuổi nhưng chưa đi làm và đang nhận tiền hỗ trợ từ gia đình hằng tháng, vẫn có thể tiếp cận dịch vụ mua trước trả sau này.

Các nước đã đưa ra hành lang pháp lý đối với mua trước trả sau

Tại Malaysia, dịch vụ BNPL đặc biệt phổ biến, với khoảng 19 nhà cung cấp BNPL đang hoạt động sôi nổi. Theo thống kê của Hội đồng Giám sát tín dụng người tiêu dùng (CCOB), có 2,9 triệu người dùng đang sử dụng BNPL. Từ tháng 1 đến tháng 9-2023, tổng cộng có khoảng 52 triệu giao dịch trị giá 4,3 triệu MYR (915.000USD) được ghi nhận. Chính phủ Malaysia đã công bố kế hoạch ban hành Đạo luật Tín dụng tiêu dùng, trong đó đề cập đến áp dụng yêu cầu tài chính tối thiểu 2 triệu MYR (khoảng 440.000USD) đối với các nhà cung cấp BNPL. Malaysia cũng thành lập ban giám sát tín dụng tiêu dùng nhằm điều chỉnh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tín dụng.

Hiệp hội Fintech Singapore (SFA) đã công nhận 4 nhà cung cấp dịch vụ BNPL dựa trên các hướng dẫn được nêu trong quy tắc ứng xử thúc đẩy các hoạt động cho vay có trách nhiệm và bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, 4 công ty Abnk, Atome, Grab và SeaMoney có thể hiển thị Trustmark của hiệp hội trên trang web và các kênh khác để chứng minh đã đáp ứng Bộ quy tắc do SFA đưa ra. Bộ quy tắc bao gồm giới hạn số tiền tín dụng tối đa mà người tiêu dùng có thể vay ở mức 2.000SGD (1.500USD), trừ khi khách hàng hoàn thành các đánh giá tín dụng bổ sung, liên quan đến thông tin thu nhập và thông tin tín dụng được chia sẻ cho tất cả các nhà cung cấp thông qua Experian.

Các chương trình BNPL ngày càng phổ biến ở Indonesia đang khiến nợ tiêu dùng ở xứ Vạn đảo tăng tới mức đáng lo ngại. Dữ liệu từ Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) cho thấy nợ tiêu dùng phát sinh thông qua các chương trình BNPL đã tăng lên 6.130 tỷ rupiah (382 triệu USD) tính đến tháng 3-2024, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. OJK đang nghiên cứu các khung pháp lý phù hợp với các dịch vụ mua trước trả sau để đảm bảo tăng trưởng bền vững và bảo vệ người tiêu dùng.

Tại Australia, theo dữ liệu của các công ty công nghệ tài chính, phần lớn khách hàng tham gia BNPL là giới trẻ, ở độ tuổi từ 18 – 25. Số liệu của chính phủ nước này công bố năm ngoái cho thấy, Australia có khoảng 7 triệu tài khoản BNPL đang hoạt động, với giá trị giao dịch trung bình là 136AUD (khoảng 90,6 USD). Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các biện pháp kiểm tra tài chính một cách khắt khe. Lý do chính là các công ty trong ngành thường “bỏ túi” phần lớn doanh thu qua phí thương mại, chứ không phải phí thanh toán lãi. Do đó, Chính phủ Australia đưa ra dự thảo luật yêu cầu các công BNPL triển khai các biện pháp kiểm tra, đánh giá khả năng tín dụng của người mua. Theo đề xuất luật, các công ty BNPL cần được Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia cấp phép để có thể tham gia các hoạt động tín dụng.

Hiện trạng thị phần mua trước trả sau tại Việt Nam

Còn tại Việt Nam, có hai yếu tố chính mà nhiều nhà cung cấp dịch vụ ‘‘mua trước trả sau’’ đang tập trung vào, đó là mở rộng mạng lưới nhà bán lẻ liên kết với dịch vụ ‘‘mua trước trả sau’’ và nâng cao năng lực tính toán khả năng trả nợ sao cho chính xác nhất.

Mua trước, trả sau: Tiềm ẩn mối nguy hại cần thẳng thắn nhìn nhận 2

Theo các chuyên gia về tài chính, 2 vấn đề tối quan trọng đối với các nhà cung cấp dịch vụ là quản trị rủi ro và bảo vệ người dùng.

Nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam chưa có kiến thức tài chính đầy đủ, dẫn đến việc họ có thể chi tiêu quá mức và mất khả năng trả nợ, đặc biệt khi nhà cung cấp dịch vụ ‘‘mua trước trả sau’’ đánh giá sai khả năng trả nợ của khách hàng.

Nhà cung cấp dịch vụ mua trước trả sau cần có các công cụ quản trị rủi ro cụ thể và hiệu quả, đồng thời hạn chế việc khách hàng mua trước trả sau đồng thời nhiều sản phẩm.

Nếu các công ty mua trước trả sau không quản trị rủi ro một cách hợp lý sẽ dẫn đến không thể kiếm được lợi nhuận và phá sản như trường hợp của Openpay ở Australia gần đây.

Đặc biệt, khi xảy ra phá sản, nhiều nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm có thể sẽ không thu hồi được tiền cho các sản phẩm và dịch vụ mà họ đã cung cấp. Đồng thời, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại, nhà đầu tư có xu hướng chuyển đổi danh mục đầu tư khỏi các khoản đầu tư rủi ro và nhiều công ty công nghệ phải cắt giảm nhân sự.

Các công ty “mua trước trả sau” có thể sẽ phải chịu đựng một làn sóng thiếu thanh khoản và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển.

Ngoài ra, hiện tại hành lang pháp lý về “mua trước trả sau” vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, nếu thị trường dịch vụ “mua trước trả sau” phát triển rộng rãi mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ, sẽ dễ dẫn đến tăng nợ xấu và ảnh hưởng nặng nề đến điểm tín dụng (do người tiêu dùng có xu hướng tiêu xài quá khả năng trả nợ), đồng thời cũng có thể sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Không thể phủ nhận những lợi ích của BNPL mang lại cho cả người mua lẫn người bán. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận rủi ro của BNPL. Hi vọng rằng trong thời gian tới đây, các cơ quan chức năng sẽ đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng đối với hình thức mua trước trả sau. 

Tham khảo: Thuongtruong

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here