Mua sắm trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên thời gian gần đây thủ đoạn lừa đảo mua hàng online mới của những kẻ mạo danh shipper (người giao hàng) để chiếm đoạt tiền đã khiến nhiều người có thói quen mua sắm online bị sập bẫy.
Thủ đoạn lừa đảo online mới nhất hiện nay
Chị Hoàng Thị Yến (30 tuổi), ngụ tại Q.Bắc Từ Liêm (TP.Hà Nội) là một trong những nạn nhân của chiêu thức lừa đảo này. Chị Yến chia sẻ: “Mình có thói quen đặt hàng trực tuyến và nhờ người giao gửi đồ rồi chuyển khoản vì không có ở nhà. Ngày 14.7, mình có nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là giao hàng Shopee và nhắn thanh toán 33.000 đồng. Bình thường cũng suy nghĩ xem có đúng mình đặt không, nhưng hôm đó vì đang bận và số tiền 33.000 đồng cũng nhỏ nên không để ý lắm và chuyển luôn”.
“Một lúc sau người đó gọi điện lại cho mình và nói xin lỗi vì đã gửi nhầm số tài khoản. Bảo đó là số tài khoản kích hoạt thẻ hội viên bên giao hàng tiết kiệm, giờ nếu không hủy thẻ thì mỗi tháng tài khoản của mình sẽ bị trừ 3,5 triệu đồng. Nghe đến đây mình đã nghi là bị lừa. Mình bắt đầu đổi giọng, người đó bảo sẽ liên lạc với bên chăm sóc khách hàng của công ty để hỗ trợ hủy thẻ. Sau đó, hắn gửi cho mình một đường link bảo nhấn vào để trò chuyện với người chăm sóc khách hàng báo hủy thẻ và hoàn tiền. Nghe đến đây mình chắc chắn là đang trong… bẫy lừa đảo nên không làm theo. Coi như mất 33.000 đồng để cảnh giác hơn”.
Tương tự, cũng bị mất số tiền 187.000 đồng vì chiêu thức lừa đảo này, Võ Thị Tố Trinh (20 tuổi), làm việc trên đường Nguyễn Văn Luông, P.11, Q.6 (TP.HCM), kể lại: “Vì hằng ngày mình đi làm nên có thói quen nhờ shipper gửi đơn hàng cho cô bán nước ở đối diện nhà trọ và sau đó xin số tài khoản để chuyển tiền. Hôm đầu tháng mình có nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là giao hàng Shopee, đơn 187.000 đồng. Như thói quen mình nhờ họ gửi hàng chỗ cô bán nước và xin số tài khoản để chuyển tiền. Tan làm về, sang nhà cô lấy đồ thì mới biết không có đơn hàng nào gửi cho mình. Lúc đó vào ứng dụng Shopee kiểm tra lại thì mình không có đặt đơn hàng nào trị giá 187.000 đồng cả mới nhận ra đã bị lừa”.
Vì đã cảnh giác nên may mắn không để sập “bẫy” lừa đảo mua hàng online này, Nguyễn Thảo Linh (27 tuổi), ngụ tại, Q.Cầu Giấy (TP.Hà Nội), kể: “Mấy hôm nay mình liên tục nhận được các cuộc gọi mạo danh người giao hàng để lừa đảo tiền. Trong một buổi sáng có khi 3 cuộc gọi. Lần đầu tiên có số gọi đến nói là giao đơn hàng từ TikTok, trong khi mình không đặt món đồ gì ở trên nền tảng này. Bình thường bận không để ý có khi đã chuyển tiền rồi nhưng may là mẹ mình cũng vừa bị lừa đảo kiểu này và mất 300.00 đồng nên đã cảnh giác hơn. Và mình đi xuống nhà kiểm tra và không thấy đơn hàng nào”.
Linh kể tiếp: “Lần thứ 2 cũng là gọi mình xuống nhận hàng. Mình đi xuống kiểm tra đơn hàng thì bên trong toàn gạch đá. Cuộc gọi lần thứ 3 thì giống như lần đầu tiên. Bây giờ rút kinh nghiệm, nếu các đơn hàng chưa thanh toán thì dù là số shipper quen hay lạ cũng phải tự tay kiểm tra mới dám nhận”.
Là người bán hàng trực tuyến nhiều năm nay, chị Vương Thị Liên (33 tuổi), ngụ tại Q.Ba Đình (TP.Hà Nội), cho biết bản thân cũng từng rơi vào “bẫy” lừa này và nhiều khách hàng của chị cũng bị mất tiền oan nên đã viết bài chia sẻ để mọi người cảnh giác.
“Rất nhiều người đã bị những kẻ mạo danh shipper gọi điện giao hàng để lừa tiền chuyển khoản. Chúng hay nhắm vào những người ở chung cư, không nhận được hàng trực tiếp mà hay gửi lễ tân, bảo vệ. Cho nên bây giờ cứ có cuộc gọi từ shipper bảo nhận hàng là tôi sẽ nói đang ở nhà, đợi một lát chị xuống lấy. Nhiều lần tôi xuống dưới nhưng không thấy shipper đâu là biết chắc mạo danh để lừa đảo”, chị Liên chia sẻ.
Một số cách phòng tránh lừa đảo khi mua hàng online
Để tránh sập bẫy lừa đảo của kẻ xấu, lực lượng chức năng khuyến cáo:
- Đối với người bán: cần công khai các thông tin về địa chỉ, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội và tài khoản thực hiện giao dịch.
- Đối với người mua: cần kiểm tra lại thông tin của người bán trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Nên sử dụng dịch vụ “ship COD” trong các giao dịch mua bán. Thận trọng trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch tài chính thông qua mạng xã hội.
- Cần kiểm tra kỹ thông tin về người bán hàng, sản phẩm, giá cả, chính sách bảo hành và hoàn trả hàng; không chuyển tiền trước khi nhận được hàng hoặc chỉ chuyển qua các kênh thanh toán uy tín; không để lộ thông tin cá nhân, thẻ ngân hàng hay mã OTP cho người lạ; khi phát hiện bị lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý kịp thời theo quy định.
Thủ đoạn lừa đảo mua hàng online ngày càng đa dạng và trở nên tinh vi, phức tạp hơn. Vì vậy người tiêu dùng thông thái cần phải tỉnh táo bằng cách kiểm tra thông tin chính xác ngay cả khi mua hàng và nhận hàng.
Nguồn bài: Tổng hợp